Phong lan - Thú chơi vương giả của người bình dân

Phong lan - Thú chơi vương giả của người bình dân

 Lan được xem là nữ hoàng của các loài hoa. Xưa kia, chơi lan là thú vui vương giả của người quyền quý. Câu "Vua chơi lan, quan chơi trà" là thế. Nhưng giờ, rất nhiều người bình dân chơi lan, bởi họ không thể cưỡng lại hương thơm quyến rũ, vẻ đẹp độc đáo của thứ cây "gây nghiện" này.

Lan được chia làm 3 loại là phong lan, địa lan và bán phong địa. Nôm na là một thứ sinh trưởng từ đất, một thứ sinh trên cây, sống nhờ gió, một thứ lưỡng giữa phong và địa - lan hài thuộc loại bán phong địa. 

Không biết loài người đã biết chơi lan từ bao giờ, nhưng đến nay đã có tới 37.000 loại lan được phát hiện và công bố, công nhận trên thế giới. Con số khổng lồ này khiến những người chơi kỳ cựu nhất, cũng thấy kiến thức, hiểu biết, sự sở hữu về lan của mình rất nhỏ bé. Tôi chỉ là người mới tập chơi lan, vì thế, bài viết chỉ đơn giản là một góc nhỏ về một thú chơi nhiều xúc cảm.

ảnh 1“Vua lan” Trần Tuấn

Ai cũng có thể làm... vua!

Chơi lan có dễ không? Rất dễ. Chỉ cần có đam mê, có khoảng không gian 1-2 mét vuông trở lên ở ban công, sân thượng, sân vườn, một số tiền vài trăm nghìn đồng là cuộc chơi đã có thể bắt đầu!

Chơi lan có khó không? Cực khó! Khó là bởi sức quyến rũ quá lớn của hoa lan có thể khiến bạn bị  “nghiện”! Khi đã  “nghiện lan”, rất ít người đủ khả năng kiểm soát để chấp nhận chơi thuần túy những giống lan đơn giản. Một khi bị cuốn theo những giống hoa đẹp - độc - lạ - hiếm,  người chơi sẽ tốn kém không ít tiền của. Không phải ai cũng có thể theo đuổi cuộc chơi tốn kém này.

Ở Việt Nam, có một người chơi lan cực ấn tượng, được phong là “Hiệp sĩ tầm lan”, được tôn là “Vua lan Hà thành”, và cũng có thể là người “cuồng” lan nhất mà tôi biết. 

Ông là Trần Tuấn Anh - người đã tìm ra 4 loài lan mới và được công nhận trên thế giới, trong đó có 3 loài mang tên “Trần Tuấn” hay “Tuấn Anh”, 1 loài mang tên Việt Nam, gồm: Vandatuananhii; Dendrobiumtrantuanii; Paphiopedilumtrantuanhii và Dendrobiumvietnamica. Tên ông được mọi người gọi nhiều nhất là “Vua lan” Trần Tuấn. 

Chuyện “cuồng” lan của Trần Tuấn thì nhiều lắm. Cứ nghe ở đâu có lan đẹp, thì kiểu gì Trần Tuấn cũng khăn gói, bằng mọi cách đến tận nơi chiêm ngưỡng, nghiên cứu và sưu tầm. Bao nhiêu thời gian, tiền bạc, trí tuệ, cơ bản Trần Tuấn Anh dành cho lan hết. Không nhà cửa, vợ chia tay, ly thân… cũng chỉ vì ông quá yêu lan.

Trên mảnh đất thuê, rộng hơn 3.000m2 ở Đình Thôn, Mỹ Đình I, Nam Từ Liêm, Hà Nội, là một “mê hồn trận” hương, hoa của khoảng 300 loại, trong đó có rất nhiều giống cực quý hiếm, và cả những câu chuyện, thú thưởng trà độc - dị của “Vua lan” Trần Tuấn.

Thấy tôi bị thu hút bởi một chậu địa lan có lá khá dị và một mầm hoa mới nhú đỏ rực,  vừa rót chén bạch trà đặc biệt, nước trà luôn có màu trắng, nhưng có hương vị trà đặc trưng, “Vua lan” Trần Tuấn bảo: “Đỏ thị phi đấy”. “Đỏ thị phi là sao?”. “Vì nó đẹp đến mức người ta thi nhau nói xấu, hòng dìm giá nó. Hoa đỏ rực, nên gọi nó là Đỏ thị phi”. “Có phải anh đã bán 1 chiếc xe máy đắt tiền để rước cây này về không?”. “Đúng rồi. Sao em biết?”. “Ông “Gù” (Google) bảo thế. Ông ấy còn bảo, vì chuyện bán xe để mua cây lan ấy, anh bị vợ giận mất 3 ngày nữa đấy”. “Lan với anh là nghiệp rồi em ơi…”.

Chơi lan phải có tâm và tình

Cuối năm, ngày hội về lan hài do Hội Hoa lan Việt Nam tổ chức tại Ngọc lan viên của “Vua lan” Trần Tuấn thật náo nhiệt. Quá nhiều giống lan độc, quý hiếm. Nhiều khuôn mặt thèm muốn, ngẩn ngơ... Có lẽ vì thế, anh Chu Xuân Cảnh, người đã hàng chục năm đắm đuối với hoa lan và có loài lan hài được thế giới công nhận mang tên “Hài Cảnh”, cảnh báo: Những người mới “dính” đến lan thường cứ thấy đẹp, thích là mua mang về chơi. Do kém hiểu biết nên mất khá nhiều tiền mà cây vẫn chết. Vì thế, nếu thật sự đam mê, muốn chơi lan, cần hiểu rõ đặc tính của từng loài, xem nó thích hợp với khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng ra sao. Từ đó chọn giống lan cho phù hợp.

Nghề chơi cũng lắm công phu. Chơi đồ cổ, chơi chim, chơi cá, chơi xe… hay chơi lan đều vậy. Chơi lan càng cần sự công phu, kiên nhẫn, hiểu biết và trí tuệ. Có những loài lan 15 năm mới nở hoa một lần. Để thưởng hoa, người chơi kiên nhẫn chăm sóc, chờ đợi đến “hóa đá” như thế, đúng là thứ công phu thượng thừa, dễ gì làm được. 

Điều lạ là nhiều nghệ nhân chơi lan khẳng định, người chơi lan phải có tâm và cái tình. Nếu không, nhất định không thể bén duyên với hoa lan được. Thậm chí, nếu không có cái tình, dù có mua được giống quý, thì hoặc sẽ tự chán vì sự đỏng đảnh của cây, hoặc cây sẽ chết để lìa xa người đó.

Biến hương sắc thành tiền

Đam mê lan, chơi lan, rồi chuyển sang kinh doanh lan cũng nhiều, nhưng có những người chỉ chơi được, không kinh doanh được. Ngược lại, có người mãi mãi chỉ là lái buôn lan, chứ không phải người chơi thực thụ.

Theo “Vua lan” Trần Tuấn, trong khu vực Đông Nam Á, nghề trồng hoa lan ở nước ta còn rất nhỏ bé so với Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Trung Quốc… Vì thế, ông luôn sẵn sàng sẻ chia kinh nghiệm ngay tại vườn, hoặc đến các trường học, các địa phương để dạy kỹ thuật trồng lan, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, giúp sinh viên nghiên cứu về lan. Ông mong một ngày nào đó, nước ta sẽ có khu bảo tồn đa dạng sinh học hoa lan Việt Nam, phát triển nông nghiệp công nghệ cao với nghề trồng hoa lan xuất khẩu. Làm được vậy, vừa đem về nguồn ngoại tệ không nhỏ cho đất nước, vừa không bị mất những giống lan quý vào tay các nhà vườn nước ngoài. 

Việt Nam có nền sinh học rất đa dạng, điều kiện rất thuận lợi để phát triển công nghiệp hoa lan xuất khẩu. Nhưng “Vua lan” Trần Tuấn cho biết, việc xuất khẩu hoa lan hiện nay theo đường chính ngạch rất khó khăn, do vướng quá nhiều thủ tục hành chính, mà những “gã khờ” về kinh doanh như ông, rất khó để vượt qua. Vì thế, ông Trần Tuấn vẫn đang “cháy hết mình” để tạo dựng một bảo tàng hoa lan cho mọi người thưởng lãm. Ông làm kinh tế hoa lan theo cách của riêng mình.

Chứng kiến màn “rút ruột” sẻ chia của “Vua lan” Trần Tuấn, của anh Chu Xuân Cảnh và một số chuyên gia khác, GS Dương Xuân Trinh, 87 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội lan Hà Nội, xúc động: “Người chơi lan ngày càng trẻ. Xưa chơi lan kiểu muốn giữ cây cho riêng mình, giấu biệt cách chăm sóc, thì nay lớp trẻ luôn sẵn sàng sẻ chia, giúp cộng đồng chơi lan phát triển mạnh hơn. Hy vọng thế hệ trẻ sẽ giúp ngành hoa lan Việt Nam trở thành một mũi nhọn kinh tế, giống như Thái Lan hay Đài Loan, điều mà thế hệ chúng tôi chưa làm nổi”.

“Cai” để mê hơn

Có một chi tiết thú vị ít người chơi lan nhắc tới là nếu cây phong lan, địa lan là một loại sinh vật, thì hoa lan chính là linga và yuni của cây - bộ phận sinh dục biểu tượng cho sự sinh tồn và phát triển. Không biết có phải vì vậy mà nhiều người khó thoát được sự quyến rũ của vẻ đẹp “hình thể”, hay hương thơm “giới tính” đặc trưng của cây mùa ra hoa - mùa sinh sản. 

Ngoài ra, hầu hết các loại lan đều là vị thuốc, mà nổi tiếng nhất là lan Kim tuyến, còn gọi là lan gấm, lan kim cương. Ông Nguyễn Như Chính, Chủ tịch Hội Đông y và dược học tỉnh Quảng Nam cho biết: Khoa học đã xác định lan Kim tuyến có 5 nhóm hoạt chất giúp thanh nhiệt, giải độc; chống viêm, tăng sức đề kháng cho con người; ức chế tế bào ung thư; cung cấp nhiều loại đường quý cho cơ thể - có tác dụng bồi bổ cơ thể, trị huyết áp, tiểu đường; tăng sức khỏe cho toàn bộ các cơ quan nội tạng của cơ thể và hệ sinh dục. 

Thế giới có 40 loại lan Kim tuyến, thì Việt Nam có tới 12 loại, phân bố ở nhiều tỉnh thành. Được dùng trong Đông y từ lâu, gần đây, khi thương lái Trung Quốc săn lùng, lan Kim tuyến đã bị khai thác cạn kiệt, đến mức phải đưa vào Sách đỏ cần được bảo vệ…

Tóm lại là có rất nhiều thứ để bạn đến với hoa lan, nhưng dù bất cứ lý do gì, cũng cần cảnh báo là thứ hương sắc này có sức “gây nghiện” rất mạnh. Nó có thể khiến bạn mất ăn, mất ngủ, thậm chí rơi vào những tình huống bi hài. Trên mạng xã hội có hàng nghìn người tham gia các hội yêu lan, chơi lan, hội nghiện lan. Có những người lập ra “hội cai nghiện lan”, để rồi đam mê ngày càng thêm mãnh liệt. 

Nếu không muốn phải “cai nghiện lan”, tốt nhất là đừng nghiện thứ hương sắc ấy. Còn nếu đã đam mê, cứ cháy hết mình, lan có thể giúp người chơi cân bằng cuộc sống đầy lợi danh và cơm áo gạo tiền.

Bài trước Bài sau